Hiện nay thế giới có hàng trăm mạng mạng xã hội khác nhau. Twitter, MySpace và Facebook nổi tiếng nhất trong thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu, Orkut và Hi5 tại Nam Mỹ, Friendster tại Châu Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. Một số mạng xã hội khác gặt hái được thành công đáng kể theo từng quốc gia như Bebo tại Anh Quốc, CyWorld tại Hàn Quốc, Mixi tại Nhật Bản và Yahoo! 360 tại Việt Nam. Dạng mạng lấy điểm nhấn cá nhân làm trung tâm, dễ tùy biến, giúp cá nhân thao tác trên trang của mình như WordPress, Blogger, Opera… Dạng mạng lấy thành viên và mối quan hệ giữa các thành viên làm trung tâm, tính tương tác cao như Facebook, Twitter, Tamtay, Yume… Dạng mạng nhắm vào việc trưng bày và chia sẻ các nội dung do thành viên tạo ra như Youtube, Clip.vn, Sannhac… Dạng cuối là các mạng xã hội mang một hoặc nhiều đặc điểm của cả ba mạng trên. Ngoài ra còn có dạng lưu trữ blog dưới tên miền của chính người sử dụng và dạng lưu trữ dưới tên miền của nhà cung cấp – được blogger Việt Nam sử dụng nhiều nhất.
Gần đây đã xuất hiện một số mạng xã hội mới với số lượng ký tự giới hạn như Twitter, Yammer, gắn internet với điện thoại di động, cho phép soạn tin trên điện thoại để viết blog. Ngoài ra, mạng xã hội tạo sự tương tác thông qua thiết bị di động cầm tay trên nền tảng WAP, Java MIDP cũng ra đời , trong đó ViHuNi là mạng đầu tiên trên di động tại Việt Nam ra mắt tháng 10/2008, còn EGO Việt Nam là một mạng ảo dạng game dành cho di động ra đời sau đó một tháng.
Chủ yếu là để trao đổi thông tin cá nhân
Thống kê về sở hữu tài khoản “ảo” cho thấy, 43% người sử dụng từ 18 tuổi trở lên có một tài khoản, 25% có hai tài khoản, 13% có bốn hoặc nhiều hơn nữa tài khoản trên các mạng xã hội. Tỉ lệ nam giới sử dụng mạng xã hội nhiều hơn nữ giới. Lứa tuổi 13 – 15 tuổi có tỉ lệ 3,5% tham gia các mạng xã hội, lứa tuổi 16 – 18 tăng vọt lên 25,5%, cao nhất là 19 – 21 với tỉ lệ tham gia với 32,8%, sau đó giảm dần, tới lứa tuổi 46 – 57 chỉ còn 0,5%. Trong số này, 22% cài đặt hoặc sử dụng một ứng dụng trở lên, 55% chia sẻ hình ảnh, 22% chia sẻ video, 31% bắt đầu với một blog. Điều này cho thấy sự lôi cuốn ban đầu của các blog cá nhân đối với sự hình thành mạng xã hội ngày càng rộng lớn ở Việt Nam.
Thành viên cơ bản của mạng xã hội rất ít, với mục đích chỉ nhằm giải trí hoặc tìm kiếm bạn bè. Một số khác để thu hút sự chú ý, tán thưởng, bình luận của mọi người, hoặc tìm kiếm thông tin cho công việc nhưng số lượng không nhiều. Chủ yếu vẫn là giữ liên lạc với bạn bè hoặc gia nhập sau để theo kịp “xu hướng thời đại”.
Đầy tiềm năng
– 80% số người sử dụng internet đã từng dùng các tiện ích của mạng xã hội khác nhau.
– Hiện tồn tại khoảng 500 mạng xã hội trên thế giới và hàng nghìn trang web có chức năng như một mạng xã hội.
– Dịch vụ mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng 47% mỗi năm và cao hơn hầu hết các dịch vụ trên website khác.
– Cứ 11 phút online trên mạng thì người sử dụng lại dành 1 phút cho blog và các mạng xã hội.
– 1 tỷ người dùng mạng xã hội đang tập trung ở 60 mạng xã hội đầu bảng.
– Người sử dụng ngày càng đa dạng về lứa tuổi.
– Di động ngày càng đóng vai trò quan trọng. 23% người sử dụng mạng xã hội ở Anh truy cập web thông qua điện thoại cầm tay.
Sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin cá nhân với một cộng đồng rộng lớn là hoạt động phổ biến nhất. Ngoài những mối quan hệ từ trước, người sử dụng có thể trao đổi với những người hoàn toàn không quen biết, đây là điểm đặc biệt ấn tượng. 17% số người trưởng thành cho biết họ có trao đổi với những người không quen biết, tuy nhiên có giảm, tỷ lệ nghịch với lứa tuổi. Người dùng ngày càng có nhiều công cụ, phương thức khác nhau để trao đổi, chia sẻ. Sự trao đổi và chia sẻ trên blog ngày càng đi vào chiều sâu hơn.
Dù mạng xã hội không phải là kênh thông tin chính thống nhưng blog và các ứng dụng khác lại rất dễ tạo trào lưu và thu hút người đọc. Người đọc không chỉ thích tiếp cận với các kênh truyền thông chủ lưu, phân tích của các chuyên gia quen thuộc mà họ có nhu cầu xem ý kiến của những người bình thường giống như họ. Sự hấp dẫn này đã dẫn tới không ít đơn vị kinh doanh coi đây như một kênh quảng bá, một loạt những blog bán hàng được tung lên mạng và có vẻ như họ đã làm ăn phát đạt, đồng thời 22% số nhà tuyển dụng đã dùng công cụ này để tìm kiếm nhân sự.
Tỉ lệ người sử dụng tại Hà Nội đứng đầu cả nước, với 30,97%, sau đó là Tp.HCM với 27,63%. Lai Châu, Hậu Giang và Đắc Nông cùng xếp cuối bảng, chỉ với 0,03%. Cái chết được báo trước của blog 360 yahoo là một động lực để các trang mạng xã hội trong nước đầu tư và phát triển. Câu chuyện hiện thời chỉ còn là mạng blog nổi tiếng nhất tại Việt Nam này có “chết hẳn” hay không nữa mà thôi. Thời gian khai tử chưa xác định do Yahoo chưa giới thiệu nền tảng mới để chuyển dữ liệu sang.
Theo: thể thao văn hoá