1. Trang bị bảng chữ cái
Việc đầu tiên để bé làm quen với bảng chữ cái chính là mua các loại bảng chữ cái bằng khổ giấy lớn rồi dán lên tường, cánh cửa trong phòng ngủ của bé hoặc ở những nơi bé dễ thấy.
Ngày nay, hầu hết các loại bảng chữ cái thường có cả hình vẽ minh họa như: các loại hoa quả, động vật, đồ vật với nhiều màu sắc bắt măt. Khi đi mua bảng chữ cái mẹ có thể cho bé đi cùng và cho bé tự lựa chọn bảng chữ cái nào mà bé thích để gây sự hứng thú và có ý thức giữ gìn hơn.
2. Cho bé vừa học, vừa chơi
Các bé ở độ tuổi học chữ đa phần đều có tâm lý ham vui và thích chơi nhiều hơn học. Lúc này, các bé chưa thể biết được ý nghĩa của việc học bảng chữ cái nên mẹ cần cho bé từ từ tập làm quen với bảng chữ cái bằng cách cho bé chơi các trò chơi như: xé dán bảng chữ cái, tô màu chữ cái, thi tài tìm chữ cái trong bộ thẻ, đánh vần tên…
Đây là một phương pháp chơi những trò chơi đơn giản có lồng ghép vào đó việc học của bé một cách tự nhiên, làm bé không cảm thấy bị áp lực nhiều mà vẫn thu nhận được kiến thức mà vẫn vui vẻ, thoải mái.
Khi cho các bé chơi, mẹ có thể vừa chỉ cho bé chữ cái vừa đọc mẫu cho bé, sau đó đổi vai cho bé đọc mẹ nghe. Việc cho con chơi cùng bảng chữ cái tuy không mang lại hiệu quả ngay tức thì nhưng mỗi ngày chỉ cần khoảng 20 – 30 phút đều đặn chắc chắn việc dạy chữ cái của mẹ sẽ thành thói quen trong não của bé và nhất định việc tiếp thu bảng chữ cái của các bé sẽ không hề khó khăn nữa.
3. Cho bé nghe bài hát về bảng chữ cái
Đa số các bé trong độ tuổi 4 – 6 tuổi có trí nhớ rất tốt và giỏi bắt chước, khi cho bé nghe các bài hát về bảng chữ cái với những giai điệu vui tươi, dễ nhớ sẽ giúp cho bé nhớ được một cách tự nhiên và lâu hơn.
Bên cạnh đó, trên các trang dạy học cho bé còn có các clip bài hát bảng chữ có sự kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh minh họa sẽ gây sự thu hút và hứng thú cho bé hơn.
4. Học bất cứ ở đâu
Không chỉ có thể cho bé học hoặc chơi ở nhà mà mẹ vẫn có thể cho bé học bảng chữ cái ngay cả khi đi siêu thị, đi ngoài đường, đi chơi công viên… bằng cách chỉ vào các biển quảng cáo, biển báo giao thông, bảng hiệu các cửa hàng… Chẳng hạn như, khi đi siêu thị cùng bé, thấy chữ cái của các mặt hàng, mẹ có thể hỏi “Chữ cái gì đây con nhỉ? Con có thấy quen không?”. Nếu bé không nhớ thì mẹ có thể giúp bé nhắc lại, còn bé nhớ thì mẹ có thể khen ngợi bé để bé thích thú với việc học chữ hơn.
5. Đọc sách hàng ngày cho bé
Đọc sách luôn là một thói quen tốt cho cả người lớn lẫn trẻ em. Từ lúc còn mang bầu, các mẹ cũng được khuyến khích đọc sách để kích thích sự phát triển trí não ở trẻ. Đọc sách trong thời kỳ bé bắt đầu học chữ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo niềm yêu thích và hứng khởi với sách và các chữ cái cho bé.
Dù rất bận rộn đến đâu thì mẹ cũng nên dành cho con khoảng 30 phút mỗi ngày để cùng đọc sách với con. Các mẹ có thể đọc báo, tạp chí, sách dạy nấu ăn hay tiểu thuyết… Điều quan trọng nhất mà mẹ cần làm không đơn thuần chỉ là truyền đạt kiến thức cho bé mà còn khơi dậy sự hứng khởi, niềm đam mê đối với kho tàng kiến thức mênh mông, rộng lớn phía trước.
Khánh Hà