Trẻ có thể bú kém, khó bú hoặc bú không đủ no là do mẹ chưa biết cách cho trẻ bú. Điều này khiến không ít bà mẹ lo lắng khi lần đầu chăm sóc trẻ, vậy phải làm sao mới cho bé bú đạt hiệu quả để tránh tình trạng trên?
Dưới đây là những cách đơn giản để giúp mẹ thực hiện được điều đó, cùng xem đó là những cách nào nhé!
Tư thế mẹ bế trẻ
Mẹ có thể nằm hoặc ngồi tùy ý khi cho bé bú cách tuần đầu sau sinh nở nhưng tư thế lúc nào cũng phải thật thoải mái để trẻ khi bú không bị gián đoạn bởi sự cựa quậy đổi tư thế của mẹ.
Bé sẽ dễ dàng bú mẹ hơn khi mẹ tạo tư thế khi bế trẻ sao cho đầu và thân trẻ tạo thành một đường thẳng, bụng trẻ sát vào bụng mẹ, mặt trẻ quay vào vú mẹ và tay của mẹ có nhiệm vụ đỡ vai và mông trẻ.
Khi bé chuẩn bị bú
Mẹ không nên để các ngón tay đặt gần núm vú, hãy để ngón tay cái phía trên vú, ngón tay trỏ dùng để nâng bầu vú và các ngón tay còn lại tựa vào thành ngực phía trước sau đó chạm vú vào môi trẻ.
Mẹ có thể làm cách này bằng chiêu vờn vú vào môi trẻ cho đến khi bé mở rộng miệng thì nhanh chóng đưa vào miệng trẻ.
Khi bé đang bú
Khi bé đang bú mẹ phải đảm bảo trẻ ngậm kín đầu vú, như vậy thì động tác mút của bé sẽ mạnh hơn và sữa sẽ tiết ra nhiều hơn. Như vậy, trẻ sẽ tránh được tình trạng tiếp nhận nguồn sữa ít và việc trẻ hít nhiều hơi vào dạ dày dẫn đến tình trạng nôn trớ.
Nếu trẻ đang bú mà mẹ cảm thấy sữa thông xuống nhiều thì mẹ nên ngừng cho con bú để vắt bớt sữa hoặc có thể thay đổi tư thế bằng cách đặt trẻ trên người mình và tiếp tục cho bé bú. Cách này sẽ khiến đầu trẻ không bị mỏi và còn giảm được tốc độ lượng sữa chảy nữa nhé.
Nên cho trẻ bú từng bên một với thời gian không quá 20 phút để trẻ nhận được nguồn sữa cuối giàu chất béo cũng như giúp mẹ không bị đau do căng sữa hay tắc sữa một bên khi không cho bé bú.
Khi bé bú xong, mẹ nên ẵm trẻ sao cho đầu cao hơn một tí hoặc vỗ nhẹ vào lưng cho bé ợ hơi rồi đặt trẻ nằm xuống giường, đầu nghiêng sang bên trái, sau một lúc thì đổi bên đồng thời mẹ cũng hãy vắt hết sữa cũ để kích thích ra sữa mới nhé.
Những vật dụng hỗ trợ
Để giúp cả mẹ và bé đều được thoải mái thì mẹ không nên quên những vật dụng hỗ trợ như gối nâng mềm mại dùng kê đầu cho bé. Vật dụng này sẽ giúp mẹ tránh được việc tê mỏi tay, mỏi cổ do phải giữ trẻ trong một thời gian dài.
Khi mẹ có việc cần phải đi lại hoặc không thể ngồi yên một chỗ thì mẹ cũng có thể dùng quai đeo. Việc này không những khiến cho bé dễ chịu mà mẹ cũng cảm thấy thoải mái hơn nhiều đấy.
Những điều mẹ cần ghi nhớ
– Mẹ đừng lo không có sữa vì khi bé bú sữa sẽ tự sản sinh ra, vì thế mẹ hãy tận dụng những giọt sữa non đầu tiên rất giàu năng lượng và chứa nhiều chất đề kháng để giúp cho trẻ sơ sinh phát triển tốt nhất từ những ngày đầu đời nhé.
– Sau khi bé chào đời, mẹ hãy cho bé bú càng sớm càng tốt để tận dụng được nguồn sữa non, tốt nhất là cho bé bú sớm sau 30 phút đầu khi sinh.
– 6 tuần đầu từ lúc bé chào đời, mẹ không nên cho bé ngậm ti giả để bé hoàn toàn quen với việc bú mẹ. Vì vậy mẹ hãy luôn ở bên cạnh bé để bé bú mẹ nhiều hơn nhé.
– Thay vì cho bé uống nước và sữa ngoài thì mẹ nên cho bé bú thường xuyên để kích thích sữa tiết ra nhiều hơn.
Thanh Thảo (t/h)