Để biết được trẻ có phát triển bình thường hay không, người ta thường tiến hành cân đo cân nặng, chiều cao của trẻ và sử dụng Biểu đồ tăng trưởng để đánh giá các chỉ số đó. Thông qua đó, bố mẹ có thể biết được tình trạng phát triển thể lực của con mình để có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ hợp lý hơn
Thông thường, mỗi trẻ sinh ra đều được phát một tờ Biểu đồ tăng trưởng để bố mẹ, gia đình, bác sĩ, điều dưỡng và các chuyên gia sức khoẻ sử dụng và theo dõi quá trình phát triển từ lúc mới sinh tới lúc đi học
1. Tác dụng của biểu đồ tăng trưởng của trẻ em
Để biết được trẻ có phát triển bình thường hay không, người ta thường tiến hành cân đo cân nặng, chiều cao của trẻ và sử dụng Biểu đồ tăng trưởng để đánh giá các chỉ số đó. Thông qua đó, bố mẹ có thể biết được tình trạng phát triển thể lực của con mình để có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và chăm sóc trẻ hợp lý hơn.
Trên mỗi biểu đồ tăng trưởng thường biểu thị các giá trị trung bình: Sự phát triển bình quân của các bé cùng giới, cùng tuổi, cùng quốc gia, cùng vùng miền, cùng cách sống và nguồn dinh dưỡng.
Mặc dù, mỗi bé là một cá thể riêng biệt, có các đặc điểm thể trạng khác nhau, nhưng thông qua biểu đồ tăng trưởng các bố mẹ và chuyên gia dinh dưỡng vẫn có thể đánh giá chính xác sự tăng trưởng của bé có phù hợp giới tính và lứa tuổi theo một mức chuẩn nhấ định.
2. Cách sử dụng biểu đồ tăng trưởng
– Biểu đồ tăng trưởng được chia làm 2 loại (In trên 2 mặt của 1 tờ Biểu đồ): Biểu đồ theo dõi cân nặng theo tuổi (Mặt A) và Biểu đồ theo dõi chiều cao (Mặt B). Trong đó, chiều cao của trẻ dưới 24 tháng tuổi được đo nằm trên thước đo nằm, còn chiều cao của trẻ 24 tháng tuổi trở lên được đo trên thước đo đứng.
– Biểu đồ tăng trưởng dành cho bé gái có màu hồng, còn dành cho bé trai màu xanh. Nếu bé sinh non, tuổi thai và tuổi điều chỉnh của bé cũng được ghi nhận vào biểu đồ.
– Cân nặng, chiều cao và vòng đầu là 3 yếu tố để đánh giá và mỗi giá trị sẽ được đánh dấu bằng một dấu chấm cho một thời điểm đo trên Biểu đồ tăng trưởng.
– Nhận biết được tốc độ phát triển thể lực của bé bình thường, đe dọa hay nguy hiểm thông qua chiều hướng các đường biểu diễn (đường nối các dấu chấm) trên Biểu đồ tăng trưởng: Đi xuống là mức nguy hiểm, nằm ngang là mức đe dọa, còn đi lên là mức bình thường.
– Khi đo và đánh giá biểu đồ tăng trưởng, mẹ cần chú ý mỗi số đo riêng lẻ không quan trọng bằng đường cong. Vì vậy, không nên đánh giá từng giá trị riêng lẻ mà phải so sánh và tìm ra được mối liên quan giữa các giá trị với nhau.
– Biểu đồ tăng trưởng không phải là phương tiện duy nhất để mẹ đánh giá mức độ phát triển của bé, mà phải dựa thêm vào quá trình hoạt động và nhận thức của trẻ. Chẳng hạn như, có nhiều bé vẫn tăng cân nặng và chiều cao rất nhanh nhưng hoạt động và nhận thức lại chậm chạp và thiếu chủ động. Như vậy, có thể nói rằng mức độ tăng trưởng của các bé đó là chưa toàn diện.
– Một đứa trẻ phát triển bình thường không chỉ tăng cân mà còn phải tăng cả chiều cao, khi một trong hai yếu tố có xu hướng giảm hoặc không tăng mẹ cần có sự điều chỉnh sao cho hợp lý.
Khánh Ly